Sự phát triển của thị trường smartphone tại Việt Nam đang mở ra một ‘biển’ cơ hội đối với các mobile startup. Tại buổi Meetup dành cho cộng đồng công nghệ tại Hà Nội do Tech in Asia và VTC Academy tổ chức, ‘Tips on making a successful mobile startup in Vietnam’, anh Dũng Trần, CEO và sáng lập viên của mWork và anh Đỗ Tuấn Anh, CEO và sáng lập viên của Appota đã có những đánh giá và chia sẻ chân tình về mobile startup Việt Nam.
Theo anh Tuấn Anh, nguyên nhân thất bại đầu tiên của startup Việt Nam đó là thiếu thực tế. Startup thường theo đuổi những thứ bản thân thích. Nhưng đôi khi thứ bản thân thích lại không phải thứ thị trường cần. Vậy làm thế nào để startup có thể khởi nghiệp từ những thứ yêu thích? Theo anh Tuấn Anh, thay vì đi từ sở thích bản thân để tạo sản phẩm, các khởi nghiệp hãy làm ngược lại: tìm thứ thị trường cần, từ đó lọc thứ mình yêu nhất để làm sản phẩm khởi nghiệp.
Ngoài ra thất bại của startup chính là kiến thức. Có thể thấy dễ dàng nguồn học của startup Việt Nam đa số không từ phương tiện truyền thông thì cũng ‘truyền miệng”. Những doanh nhân thành công ở Việt Nam thì thích đứng sau sân khấu và không chia sẻ bí quyết, trong khi doanh nhân gặp thất bại thì ‘xấu hổ’ mà giấu bài học đầy giá trị. Vì vậy việc chọn người, chọn chỗ để học là điều tiên quyết tạo thành công cho các startup. Điều thứ ba là con người. Việc cả team có cùng tầm nhìn là điều quan trọng. Nhưng cạnh đó, các startup cần chú ý, startup có hiểu bản thân, xác định rõ mình đang, sẽ và cần làm gì thì mới có thể tìm được người đồng hành.
Tìm người đồng hành trong khởi nghiệp không phải đơn giản, và để họ có thể theo startup trong thời gian dài lại khó gấp đôi. Theo anh Tuấn Anh, các startup hãy tìm người có cùng tầm nhìn, hoặc người có năng lực để chia sẻ chúng.
Về quan điểm này của anh Tuấn Anh, anh Dũng chia sẻ một trong những thất bại của dự án “Vườn Chim” của FPT chính là có nhiều người giỏi trong nhóm, từ lãnh đạo cho đến thành viên, dẫn đến tất cả đều có tầm nhìn riêng và không ai nghe ai. Điều đó cho thấy việc chọn người đồng hành là vô cùng quan trọng. Không đơn giản chỉ chọn người giỏi và có tầm nhìn, các startup cần chú trọng những người có thể bổ sung khiếm khuyết cho nhau, những người có kỹ năng mà trong team thiếu.
‘Muốn kiếm được tiền phải biết chia tiền với thái độ trân trọng’ – Anh Tuấn Anh chia sẻ. Theo anh, cần phải chia sẻ chân thành, không giấu giếm với thành viên những quan điểm, tầm nhìn và lợi nhuận. ‘Chọn người phải chọn người phù hợp’ – đó là những người phù hợp với văn hóa công ty và founder có thể tin tưởng chia sẻ tầm nhìn. Với anh Dũng, ngoài bí quyết tìm người chung tầm nhìn và hướng đi, startup cần tạo thử thách cho các thành viên. Hãy tạo không gian mở để họ có thể phát triển. Và điều quan trọng đó là một khi startup làm, thì cần phải làm thật!
Nhiều startup luôn lo lắng ý tưởng bị đánh cắp. Nhưng theo anh Tuấn Anh và anh Dũng, ý tưởng không phải là sự độc quyền. Ý tưởng có thể có khắp mọi nơi, trên mạng, trong những buổi uống bia….Giá ý tưởng có khi chỉ bằng 1 cốc bia. Việc bảo vệ ý tưởng là điều không cần thiết. Chủ quyền của ý tưởng sẽ chỉ được công nhận khi nó đã thành sản phẩm và được người sử dụng công nhận. Đặc biệt với thể chế pháp luật tại Việt Nam, việc bảo vệ ý tưởng lại càng không thể.
Vui lòng đợi ...